Ban tổ chức cho biết: đến nay, Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã đạt được nhiều thành công đáng kể, 30/38 quyển chuyên ngành đã xong việc xây dựng đề cương chi tiết và tiến hành biên soạn mục từ, nhiều quyển đã bước sang biên soạn mục từ năm thứ 2. Công việc tiếp theo là phải xây dựng bằng được kế hoạch tổng thể của toàn Đề án từ nay cho đến khi kết thúc với 5 hạng mục cơ bản cần thực hiện, đó là: (1) Căn cứ và tính cấp thiết của việc thực hiện kế hoạch tổng thể; (2) Quy trình thực hiện; (3) Kết quả thực hiện; (4) Dự thảo kế hoạch tổng thể; (5) Kiến nghị, giải pháp và yêu cầu đặt ra. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các quyển đều đã xây dựng bản kế hoạch tổng thể của từng quyển và gửi tới Đề án. Đây là cơ sở quan trọng để Ban thư kế tổng hợp và xây dựng bản dự thảo kế hoạch tổng thể của toàn Đề án.
GS.TS Võ Khánh Vinh phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Võ Khánh Vinh - Phó Chủ nhiệm Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, Trưởng ban Biên soạn Quyển Luật học (Quyển 30) đã đề cao tầm quan trọng của Hội thảo và cho rằng các đại biểu cần thảo luận sâu vào những vấn đề trọng tâm như: cần làm gì để các cấp có thẩm quyền đồng ý với phương án của kế hoạch tổng thể; việc thực hiện theo dự thảo bản kế hoạch tổng thể có đảm bảo theo năm tài chính như quy định hiện hành hay không; các quyển chuyên ngành có thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng về biên soạn và biên tập hay không...
Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung vào luận bàn giải quyết các vấn đề như: Thời gian dự kiến thực hiện biên soạn, biên tập, đọc duyệt, nghiệm thu của cả 38 quyển Bách khoa toàn thư Việt Nam; nguồn lực các nhà khoa học tham gia biên soạn và biên tập; số lượng các nhà khoa học tham gia đọc duyệt và nghiệm thu; tổng kinh phí thực hiện Đề án; các kiến nghị, giải pháp và yêu cầu đặt ra đối với toàn thể Đề án liên quan tới Ban Chủ nhiệm Đề án, các bộ phận tham mưu, giúp việc; Văn phòng Đề án và Ban thư ký Đề án, các ban biên soạn chuyên ngành…
PVH